TÌM HIỂU CÁC IC CƠ BẢN TRONG NGÀNH LẠNH (MÁY GIẶT, ĐIỀU HÒA, TỦ LẠNH) -P1
TÌM HIỂU CÁC IC CƠ BẢN TRONG NGÀNH LẠNH (MÁY GIẶT, ĐIỀU HÒA, TỦ LẠNH) -P1
–IC là viết tắt của của từ Integrated Circuit, có nghĩa là mạch tích hợp. IC là tập hợp các mạch điện chứa các linh kiện bán dẫn nhỏ ( như là transistor) và các linh kiện điện tử thụ động (như là các điện trở, tụ điện) được kết nối lại với nhau, để thực hiện được một số chức năng xác định.
Trong mạch điện tử nói chung chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều IC và nó cũng chiếm phần lớn các nguyên nhân sai hỏng trong mạch điện. Bài viết này tôi sẽ tập trung vào những IC xuất hiện trong ngành điện lạnh với mục đích giới thiệu các bạn cách nhận biết các loại IC cơ bản cũng như chức năng của nó trên mạch.
- 1.Vi điều khiển ( MCU): các bạn cần phần biệt kĩ hầu hều các IC giữ vai trò trung tâm trong ngành điện lạnh đều và vi điều khiển chứ không phải vi xử lý (CPU). Vi điều khiển là IC dễ dàng xác định nhất trong mạch điện nó có số lượng các chân (ngoại vi) nhiều nhất (những vi điều khiển đời cũ thường là IC cắm có 2 hàng chân còn vi điều khiển đời mới là 4 hàng chân và là IC dán). Bên cạnh IC vi điều khiển thường có thạch anh dao động (2 hoặc 3 chân) đóng vai trò tạo xung nhịp cho vi điều khiển. Một số vi điều khiển bạn có thể không nhìn thấy thạch anh dao động vì nó sử dụng dao động nội RC bên trong vi điều khiển. Khi thạch anh này không dao động thì vi điều khiển sẽ không hoạt động. Hầu hết các vi điều khiển trong máy giặt, điều hòa, tủ lạnh đều được nạp chương trình (code) từ nhà sản xuất vì thế kể cả khi bạn có một IC vi điều khiển tên y hệt như con gốc bạn cũng không thể chắc bạn có thể thay thế được cho con cũ nếu nội dung chương trình hai vi điều khiển là khác nhau. Điều kiện để vi điều khiển có thể hoạt động: phải cung cấp đủ nguồn điện (5V hoặc 3.3V) ,chân reset phải được đưa lên mức điện áp VCC, thạch anh hoặc khối dao động nội phải còn tốt. Ngoài ra trong lĩnh vực điện lạnh một số vi điều khiển được lập trình thêm phải nhận được tín hiệu ACDET (tín hiệu dùng để xác định điểm 0V của điện áp lưới) mới hoạt động nên các bạn cần kiểm tra thêm điều kiện này khi tiến hành sửa chữa. Vi điều khiển trong thực tế hầu hết bị khóa mã code không thể đọc ra được vì đó là công nghệ nhà sản xuất anh em không nên cố đọc code hoặc tìm cách mua IC mới nhé ( chỉ một số trường hợp vô cùng đặc biệt mới có ăn cắp được công nghệ của họ)
- 2.IC nhớ (EFROM, FLASH..) : Khi nhắc đến dòng IC này chắc các bạn nhớ ngay đến các IC như 24C02, 24C04, 24C08, 24C16, 93C46, 93C56, 93C66.. IC nhớ được nhà sản xuất đưa lên mạch với mục đích lưu trữ một số tham số cho vi điều khiển : ví dụ như tham số khởi động, lưu trữ tham số cài đặt, lưu trữ lỗi phát sinh trong quá trình làm việc.. Ví dụ khi bạn khởi động một chiếc máy giặt vi điều khiển sẽ đọc tham số khởi động lưu trữ trong IC nhớ đúng số hiệu , seri đời máy.. rồi mới cho máy khởi động. Sau đó trong quá trình giặt. Máy giặt lưu trữ vào IC nhớ nó đang thực hiện đến bước nào vì thế mà một số máy khi bị mất điện khởi động lại nó vẫn biết nó chương trình hiện tại đang thực hiện dở ở bước nào và thực hiện tiếp. Một số máy nhà sản xuất không cho phép khởi động khi IC nhớ bị sai hỏng hoặc máy ghi lỗi vào IC nhớ. Rất may mắn với dân sửa chữa không giống vi điều khiển IC nhớ có thể thay mới và đọc ra nạp lại một các dễ dàng với những máy nạp ROM rẻ tiền.
- 3.Photo quang (opto quang): với những cái tên rất quen thuộc PC817, PC814, P816, MOC3021.Opto trong mạch điện thường sử dụng để cách ly giữa mạch điều khiển và mạch công suất. Như vậy khi có sai hỏng bên phía mạch công suất sẽ không gây sai hỏng cho mạch điều khiển. Trong các mạch điều hòa máy giặt photo quang thường làm một số nhiệm vụ sau đây:
- Cách ly tín hiệu ACDET: chuyển đổi tín hiệu điện lưới thành dạng tín hiệu điều khiển (5V/3.3V) sóng vuông mà vi điều khiển có thể nhận được. Có hai loại opto thường ở vị trí này opto một chiều PC817,TLP781, PC816,.. hoặc hai chiều PC814, NEC2565, NEC2505.. Với opto một chiều tín hiệu vi điều khiển nhận được là xung vuông 50Hz còn với opto hai chiều tín hiệu vi điều khiển nhận được là xung vuông 100Hz. Vì thế rất lưu ý mọi người không thay thế lẫn hai loại này cho nhau.
- Cách ly tín hiệu điều khiển triac: Một số photo triac như MOC3020, MOC3021, AQH3223, AQH2223, R33MF5.. các tác dụng đưa tín hiệu điều khiển từ vi điều khiển đến các triac lực phía sau với nhiệm vụ điều tốc quạt, động cơ, van cấp xả… Khi các opto này có vấn đề thì lệnh sẽ không tới được các triac lực phía sau (BTA12,BCR8, BCR16..)
- Một số trường hợp khác photo quang như TLP251, TLP557, TL559.. đóng vai trò như các driver kích mở các IGBT (van) công suất ba pha điều khiển động cơ máy nén . Nếu các opto này sai hỏng thì góc mở không đúng sẽ dẫn đến sự cố cho mạch công suất phía sau
- Một số các opto quang đóng cắt tần số cao như TLP421 ,TLP521 còn giữ vai trò liên lạc (giao tiếp) giữa các khối trong mạch điện ( liên lạc giữa hai vi điều khiển trong cùng một board, liên lạc giữa hai vi điều khiển trên bo nóng và bong lạnh, hay bo công suất và bo điều khiển..). Có thể tại đây nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao không truyền tín hiệu trực tiếp mà phải thông qua opto. Có thể hiểu lý do cơ bản nhất là khi truyền tín hiệu đi xa để tín hiệu không bị nhiễu ta buộc phải tăng mức điện áp logic từ vi điều khiển từ 5V lên mức 30-50V và khi tín hiệu này nhận lại để vi điều khiển khác sẽ phải chuyển về mức điện áp vi điều khiển có thể hiểu được (3.3V/5V) . Như vậy opto là phương pháp chuyển đổi tín hiệu nhanh chóng và hiệu quả nhất.